CÂY ỚT CAY
Tên khoa học: Capsicum frutescens L.
- ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Rễ: Ớt có rễ trụ, nhưng khi cấy rễ phân nhánh mạnh và cây phát triển thành rễ chùm, phân bố trong vùng đất cày là chính.
Thân: khi cây già phần gốc thân chính hóa gỗ, dọc theo chiều dài thân có 4-5 cạnh. Thân có lông hoặc không lông, cây cao 35-65 cm, có giống cao 125-135 cm. Ớt phân tán mạnh, kích thước tán thay đổi tùy theo điều kiện canh tác và giống.
Lá: Mọc đơn, đôi khi mọc chùm thành hình hoa thị, lá nguyên có hình trứng đến bầu dục, phiến lá nhọn ở đầu, lá màu xanh nhạt hoặc đậm, có lông hoặc không lông.
Hoa: Lưỡng phái, mọc đơn hoặc thành chùm 2-3 hoa. Hoa nhỏ, dài, hoa màu xanh có hình chén, lá đài nhỏ, hẹp và nhọn. Tràng hoa có 6-7 cánh màu trắng hoặc tím. Số nhị đực bằng số cánh hoa và mọc quanh nhụy cái. Phần trong cánh hoa có lỗ tiết mật.
Hoa ớt có thể tự thụ phấn hay thụ phấn chéo do côn trùng vì ớt thuộc loại tiền thư, thụ phấn chéo có ý nghĩa lớn ở ớt cay, tỷ lệ thụ phấn chéo từ 10-40 % tùy giống, do đó cần chú ý trong công tác để giống và giữ giống thuần.
Trái: Trái có 2-4 thùy, dạng trái rất thay đổi từ hình cầu đến hình nón, bề mặt trái có thể phẳng, gợn sóng, có khía hay nhẵn; trái khi chín có màu đỏ đen vàng; trái không cay hay rất cay.
Ớt là cây chịu nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho tăng trưởng là 18-30oC. Nhiệt độ cao trên 32oC và thấp dưới 15oC. Cây tăng trưởng kém và hoa dễ rụng. Ớt là cây không quang cảm, tuy nhiên trong điều kiện ngày ngắn các giống ớt cay phát triển tốt và cho năng suất cao. Ớt chịu đựng được điều kiện che rợp đến 45%, nhưng che rợp nhiều hơn ớt chậm trổ hoa và rụng nụ.
- KỸ THUẬT TRỒNG
- Thời vụ
Ớt có thể trồng quanh năm, tuy nhiên trong sản xuất thường canh tác ớt vào các thời vụ sau:
– Vụ sớm: Gieo tháng 8-9, trồng tháng 9-10, bắt đầu thu hoạch tháng 12-1 dl và kéo dài đến tháng 4-5 năm sau. Vụ này ớt trồng trên đất bờ líp cao không ngập nước vào mùa mưa. Ớt trồng mùa mưa đỡ công tưới, thu hoạch trong mùa khô dễ bảo quản, chế biến và thời gian thu hoạch dài, tuy nhiên diện tích canh tác vụ này không nhiều.
– Vụ chính (Đông Xuân): Gieo tháng 10-11, trồng tháng 11-12, bắt đầu thu hoạch tháng 2-3 dl. Trong vụ này cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh.
– Vụ Hè Thu: Gieo tháng 4-5 trồng tháng 5-6 thu hoạch 8-9 dl. Mùa này cần trồng trên đất thoát nước tốt để tránh úng ngập và chọn giống kháng bệnh thán thư.
- Chuẩn bị cây con
Lượng hạt giống gieo đủ cấy cho 1.000m2 từ 15-25 gram (150-160 hột/g). Diện tích gieo ương cây con là 250 m2. Chọn đất cao ráo hay làm giàn cách mặt đất 0,5-1 m, lót phên tre hay lá chuối rồi đổ lên trên một lớp đất, phân, tro dày 5-10 cm rồi gieo hạt. Cách này dễ chăm sóc cây con và ngăn ngừa côn trùng hoặc gia súc phá hại. Cũng có thể gieo hạt thẳng vào bầu hay gieo theo hàng trên líp ương. Hạt ớt thường nẩy mầm chậm, 8-10 ngày sau khi gieo mới mọc khỏi đất, cây con cấy vào lúc 30-35 ngày tuổi, có sử dụng màng phủ cây con nên cấy sớm lúc 20 ngày tuổi.
- Cách trồng
Đất trồng ớt phải được luân canh triệt để với cà chua, thuốc lá và cà tím. Trồng mùa mưa cần lên líp cao vì ớt chịu úng kém. Khoảng cách trồng thay đổi tùy thời gian dự định thu hoạch trái, nếu ăn trái nhanh (4-5 tháng sau khi trồng) nên trồng dày, khoảng cách trồng 50 x (30-40) cm, mật độ 3.500-5.000 cây/1.000m2; nếu muốn thu hoạch lâu nên trồng thưa, 70 x (50-60) cm, mật độ 2.000-2.500 cây/1.000m2.
- Sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic)
4.1 Mục đích:
- Hạn chế côn trùng và bệnh hại: Mặt màu bạc của màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời nên giảm bù lạch, rầy mềm, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm trên lá chân
- Ngăn ngừa cỏ dại: Mặt đen của màng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.
- Điều hoà độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: Màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển, tăng sản lượng.
- Giữ phân bón: Giảm rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.
- Tăng nhiệt độ đất: Giữ ấm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.
- Hạn chế độ phèn, mặn: Màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.
4.2 Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp
– Vật liệu và qui cách: Dùng 2 cuồn màng phủ khổ rộng 0.9-1m trồng ớt hàng đơn, còn hàng đôi 1,5 cuồn màng khổ 1,2-1,4 m, diện tích vải phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao. Chiều dài mỗi cuồn màng phủ là 400 m, khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
– Lên liếp: Lên liếp cao 20-40 cm tùy mùa vụ, mặt liếp phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư, ở giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
– Rãi phân lót: Liều lượng và cách bón cụ thể theo hướng dẫn bên dưới
– Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh như Oxyt đồng hoặc Copper B (20 g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10lít) đều trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ.
– Đậy màng phủ: Mùa khô nên tưới nước ngay hàng trồng cây trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp.
- Bón phân:
Tùy theo loại đất, mức phân bón trung bình toàn vụ cho 1.000m2 như sau:
07 kg Tipto 46N+ + 50 kg Super lân (lân nung chảy) + 07 kg Clorua kali + 50 kg Bacte 68 + 50 kg Bacte 555 + 1 tấn chuồng hoai + 100 kg vôi bột.
* Bón lót: 50 kg super lân, 50 kg Bacte 555, 1 tấn phân chuồng và 100 kg vôi. Vôi rải đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai, lân, Bacte 68, Bacte 555 rãi trên toàn bộ mặt liếp xới trộn đều, làm bằng phẳng mặt líp. Sau đó tủ màng phủ lại, rồi tiến hành đục lổ theo khoảng cách trồng cây con và để 10 – 12 ngày mới đem đem cây con ra trồng.
* Bón phân thúc:
Lần 1: 20-25 ngày sau khi cấy, toàn bộ lượng Bacte 68 còn lại. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng cà hoặc đục lổ màng phủ giữa 2 gốc ớt
Lần 2: 60-65 ngày sau khi cấy, bắt đầu thu trái.
Lượng bón: 07 kg Tipto 46N+, 07 kg Clorua kali. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại cà hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc ớt
Chú ý:
Sử dụng phân bón qua lá Bacte 01, Bacte 02, Bacte 03, Bacte Magiebo phun cho ớt trong suốt quá trình sinh trưởng. Để ớt cho trái nhiều, bóng trái đẹp màu và năng suất cao, kéo dài thời gian thu hoạch.
- Chăm sóc:
6.1 Tưới nước:
Ớt cần nhiều nước nhất lúc ra hoa rộ và phát triển trái mạnh. Giai đoạn này thiếu nước hoặc quá ẩm đều dẫn đến đậu trái ít. Nếu khô hạn kéo dài thì tưới rảnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, khoảng 3-5 ngày tưới/lần. Tưới thấm vào rãnh tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu.
Tưới thấm
6.2 Tỉa nhánh:
Thông thường các cành nhánh dưới điểm phân cành đều được tỉa bỏ cho gốc thông thoáng. Các lá dưới cũng tỉa bỏ để ớt phân tán rộng
6.3 Làm giàn: Giàn giữ cho cây đứng vững, để cành lá và trái không chạm đất, hạn chế thiệt hại do sâu đục trái và bệnh thối trái làm thiệt hại năng suất, giúp kéo dài thời gian thu trái. Giàn được làm bằng cách cắm trụ cứng xung quanh hàng ớt dùng dây chỉ giăng xung quanh và giăng lưới bên trong hoặc cột dây nilong lúc cây chuẩn bị trổ hoa.
- Phòng trị sâu bệnh
7.1 Sâu hại::
– Rầy lửa, bọ trỉ, bù lạch (Thrips sp.)
– Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Thiệt hại do bọ trĩ, bọ dưa có liên quan đến bệnh siêu trùng.
– Bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, nên định kỳ 7-10 ngày/lần phun dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) sẽ giảm đáng kể sự tấn công của bù lạch; khi thấy mật số vài ba con trên một đọt non cần phun một trong các loại như Confidor 100SL, Admire 50EC, Danitol 10EC, Vertimec…0.5-1%o, cần thay đổi thuốc thường xuyên.
– Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera): Thành trùng là bướm đêm, kích thước to, thân mập nhiều lông, cánh màu vàng sáng, giửa cánh có một chấm đen to và một chấm trắng nằm cạnh nhau. Trứng đẻ thành ổ có phủ lông vàng; một bướm cái đẻ 200-2000 trứng. Âu trùng là sâu có nhiều lông, màu sắc thay đổi từ màu hồng, xanh, xanh vàng đến nâu đen theo môi trường sống. Sâu ở phía ngòai thò đầu vào bên trong phá hại búp non, nụ hoa, cắn điểm sinh trưởng, đụt thủng quả từ khi còn xanh cho đến lúc gần chín làm thối trái. Nhộng màu nâu đỏ nằm trong lá khô hoặc trong đất.
– Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci): Thành trùng màu trắng bóng, dài 3-4 mm, bay chậm, hình dáng giống như bướm. Âu trùng rất giống rệp dính, màu trắng trong, được phủ một lớp sáp, ít bò, thường cố định một chổ chích hút mô cây. Trứng, ấu trùng và thành trùng luôn luôn hiện diện ở mặt dưới lá trên các loại cây ăn trái, bầu bí, dưa, cà, ớt, bông vãi, thuốc lá. Ấu trùng và thành trùng đều chích hút làm lá biến vàng, cây mau suy yếu, giảm năng suất và truyền bệnh siêu trùng như rầy mềm. Bọ phấn trắng phát triển nhanh trong điều kiện nóng và khô, rất dễ quen thuốc khi phun ở nồng độ cao, hoặc phun thường xuyên định kỳ.
Trong tự nhiên có nhiều loài ong ký sinh trên ấu trùng bọ phấn trắng. Thuốc hiệu quả là Admire, Confidor, phun ở mặt dưới lá.
– Rầy nhớt, rầy mềm (Aphis spp.)
Còn được gọi là rầy mật, cả ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1-2mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có 2 lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng. Rầy truyền các loại bệnh siêu vi khuẩn như khảm vàng. Chúng có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện nấm.. nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao ảnh hưởng đến năng suất. Phun các loại thuốc phổ biến rầy mềm như Trebon, Bassa.
d- Sâu ăn tạp, sâu ổ, sâu đàn (Spodoptera litura)
– Sâu non lúc nhỏ sống tập trung ở mặt dưới phiến lá nên gọi là sâu ổ, khi lớn lên phân tán dần, mình có màu xám với khoan đen lớn ở trên phía lưng sau đầu, ăn lủng lá có hình dạng bất định, hoặc cắn đứt ngang thân cây con. Sau đó sâu thường chui vào sống trong đất, ẩn dưới các kẻ nứt hay rơm rạ phủ trên mặt đất, nhộng ở trong đất.
– Nên làm đất kỹ trước khi trồng vụ sau để diệt sâu và nhộng còn sống trong đất, xử lý đất bằng thuốc hạt. Có thể ngắt bỏ ổ trứng hay bắt sâu non đang sống tập trung.
– Nên thay đổi loại thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn trứng sắp nở sẽ cho hiệu quả cao: Sumicidin 10EC, Cymbus 5EC, Karate 2.5EC, Decis 2.5 EC… 1-2%o có thể pha trộn với Atabron 5EC từ 2-3 cc/bình xịt 8 lít.
Biện pháp sinh học:
- Pha 500 Ml chế phẩm sinh học Bacte Cisa với 800 lít nước phun ướt đều lá, tưới gốc quang vùng rễ, hoặc dùng cần sục để đưa dung dịch vào sâu phân rể, lặp lại sau 5-7 ngày nếu bệnh nặng.
- Để đạt hiệu quả cao nên phun khi bệnh chớm xuất hiện.
- Để hiệu quả nhanh, tưới ẩm đất trước khi tưới hế phẩm.
7.2 Bệnh hại:
– Bệnh héo cây con: Do nấm Rhizoctonia solani, Phythophthora sp., Pythium sp. Bệnh thường gây hại cây con trong líp ương hoặc sau khi trồng khoảng một tháng tuổi. Vết bệnh thường xuất hiện ở phần thân ngay trên mặt đất, nấm tấn công vào gốc làm gốc cây bị thối nhũn và cây bị gãy gục, phần cây bên trên vết bệnh vẫn còn tươi xanh, sau đó cây mới bắt đầu héo. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao, nấm lưu tồn trên thân luá, rơm rạ, cỏ dại, lục bình, hạch nấm tồn tại trong đất sau mùa gặt lúa.
– Phun, Validacin 5L, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Ridomil 25 WP 1-2%o; Copper -B 2-3%o, Tilt super 250 ND, Bonanza 100 (các loại thuốc trị bệnh đốm vằn trên luá đều trị được bệnh này)
– Bệnh héo chết cây do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum, nấm Fusarium oxysporum, F. lycopersici, Sclerotium sp.: Bệnh thường gây hại khi cây đã trưởng thành, hoặc khi cây bắt đầu mang trái. Đầu tiên các lá ngọn bị héo vào buổi trưa, và tươi lại vào buổi chiều mát, sau vài ngày cây bệnh chết hẳn, không còn khả năng hồi phục, bộ rễ không phát triển.
– Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp. Bốn loài Colletotrichum được tìm thấy trên ớt là: C. gloesporiodes, C. capsici (2 loài quan trọng nhất), C. acertatum và C. coccodes. Bệnh thường gây hại trên trái đang hay đã chín trong điều kiện có mưa nhiều, hoặc ẩm độ không khí cao. Vết bệnh lúc đầu hình tròn, úng nước, hơi lõm xuống, sau đó lan dần ra, tâm vết bệnh có màu nâu đen, viền màu nâu xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm và có những chấm nhỏ li ti màu đen nhô lên cao. Bệnh gây hại chủ yếu trên trái làm trái mất thương phẩm. Ở đồng bằng sông Cửu Long bệnh phát triển và lây lan mạnh vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9 dl. Nấm bệnh tồn tại rất lâu trong đất, trên cây và trong hạt cây bệnh.
Các thuốc Copper B, Manzate, Mancozeb, Antracol, Ridomil được sử dụng rộng rãi để trừ bệnh này. Tuy nhiên, bệnh khó phòng trị trong mùa mưa và vì bịnh chỉ xuất hiện rất trễ khi trái chín. Hiện nay biện pháp trồng giống kháng bệnh như ớt hiểm trong mùa mưa là kinh tế nhất.
Biện pháp phòng trừ sinh học:
- Pha 500 Ml chế phẩm sinh học Bacte Cisa với 800 lít nước phun ướt đều lá, tưới gốc quang vùng rễ, hoặc dùng cần sục để đưa dung dịch vào sâu phân rể, lặp lại sau 5-7 ngày nếu bệnh nặng.
- Để đạt hiệu quả cao nên phun khi bệnh chớm xuất hiện.
- Để hiệu quả nhanh, tưới ẩm đất trước khi tưới hế phẩm.